32 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng Chín 22, 2023

Các quán karaoke liên tục xảy ra hỏa hoạn – Mặt trái trong thi công quán karaoke

- Advertisement -spot_imgspot_img

Những vụ cháy kinh hoàng liên tục diễn ra tại các quán karaoke trong thời gian gần đây đã và đang là mối quan ngại to lớn với các cơ quan chức năng, với chủ quán karaoke và là những nỗi ám ảnh với những người đi hát karaoke. Hơn bao giờ hết mặt trái trong thi công quán karaoke đang được phơi bày.

Mặt trái trong thi công quán karaoke

Vì muốn cắt giảm chi phí có những chủ quán karaoke yêu cầu kiến trúc sư cắt giảm công trình thoát hiểm, bớt xén thiết bị PCCC, khiến công trình không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cứu hộ, cứu nạn.

Nói về vấn đề này kiến trúc sư Trần Tam Linh đã bị chủ đầu tư yêu cầu tiết giảm và sửa đổi hạng mục thoát hiểm khi gửi bản vẽ thiết kế một tòa nhà kinh doanh karaoke một cách không hợp lý. Với yêu cầu bất hợp lý này anh đã từ chối tham gia công trình vì bằng kinh nghiệm và trải nghiệm ở nhiều quán karaoke, quán bar anh hiểu đây là loại hình cơ sở dịch vụ tập trung đông người, thường nằm len lỏi trong khu dân cư, có khả năng xảy ra hỏa hoạn cao hơn công trình dân sinh khác, không thể bỏ lơi hệ thống PCCC.

Còn chuyên gia Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng cần tính toán thiết kế ngay từ đầu để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và thiệt hại, không nhất định cần tách những cơ sở này ra một khu riêng biệt

“Không phải đến lúc cháy mới đi tìm nguyên nhân, mới đi xử lý. Quan trọng phải đảm bảo PCCC của chính cơ sở đó ngay từ đầu, chứ không phải tính đến nếu xảy ra cháy thì nó ảnh hưởng thế nào”, chuyên gia Hữu Nguyên nhận định.

Vụ cháy quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) khiến 32 người thiệt mạng.

Quán karaoke Trảng Bom – Đồng Nai bốc khói mù mịt thời điểm cháy.

Có 3 chiến sỹ đội PCCC đã hy sinh tại karaoke ở địa chỉ số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong lúc làm nhiệm vụ

Xem thêm: Hà Nội: Khởi tố, bắt tạm giam chủ quán karaoke 231 Quan Hoa bị cháy khiến 3 chiến sỹ PCCC hy sinh

Nguy cơ từ lợi ích trước mắt

Theo KTS Trần Tam Linh, vì mục đích tăng doanh thu mà các chủ đầu tư cơ sở karaoke muốn giảm và bố trí thang thoát hiểm ở vị trí khác để có thể xây thêm 2 phòng hát

“Khi tôi cố gắng thuyết phục người chủ rằng thiết kế này mới đảm bảo các yêu cầu để được cấp phép PCCC, nhưng vẫn bị phớt lờ. Chủ đầu tư nói chuyện giấy tờ sẽ có người lo”, anh Linh kể lại.

Theo KTS, bài toán cân bằng  giữa lợi ích của chủ đầu tư và đảm bảo tiêu chuẩn của các hạng mục rất khó so với việc tối ưu công năng.

“Có những anh em nhận thiết kế thi công quán karaoke phải làm theo yêu cầu của chủ, không làm theo thì chủ thuê người khác vẽ. Vì kiếm tiền, có người đã thỏa hiệp”, anh Tam Linh nói.

Khi xảy ra sự cố liên quan đến lối thoát hiểm, nhiều người cho rằng một phần do kiến trúc sư thiết kế, hoặc bên thi công công trình thiếu trình độ, tuy nhiên bất bất kỳ trường lớp nào đào tạo ra KTS đều dạy về tiêu chuẩn thiết kế lối thoát hiểm.

Tùy quy mô công trình và sức chứa người, KTS sẽ tính toán các phương án thoát hiểm khác nhau. Ví dụ để thoát hiểm và đảm bảo lưu lượng lưu thông trong sân vận động thì kích cỡ phần thang phải rộng hơn và được bố trí nhiều hơn. Khi có bất cứ sự cố nào xảy ra, thời gian cho việc thoát nạn phải mất ít nhất.

Đặc biệt, cầu thang bộ đi lên xuống bên trong quán karaoke không đạt chức năng thoát hiểm khi có cháy, mà phải là buồng thang thoát hiểm có ít nhất một cửa ngăn cháy, ngăn khói. Buồng thang thoát hiểm tốt nhất phải có 2 lớp cửa ngăn cháy, tường ngăn cháy và khoảng đệm có áp suất không khí dương (nơi thống gió thoát khói độc để dẫn không khí sạch hơn vào).

Thế nhưng, theo quan sát của KTS Linh, anh nhận xét lối thoát hiểm và hạng mục phòng cháy chữa cháy tại các công trình quán karaoke ở nước ta nhiều năm nay đều không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cứu hộ, cứu nạn.

Năm 2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 147 quy định công tác kiểm tra PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trong đó đã rà soát những điểm còn lỏng lẻo, bổ sung nhiều điều kiện chặt chẽ, chi tiết đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, chủ đầu tư cơ sở vẫn có thể lách luật hoặc thiếu sót.

Quán karaoke dạng nhà ống

Cửa sổ hai bên của quán karaoke ở quận 12 (TP.HCM) bị xây bịt kín bằng gạch để tăng hiệu quả cách âm. Còn quán karaoke 5 tầng (ảnh phải) là một nhà ống kín mít không có bất kỳ cửa sổ nào xung quanh. Ảnh: Duy Hiệu.

“Theo tôi, cần nghiêm cấm thiết kế quán karaoke dạng nhà ống bịt kín và không cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang cơ sở karaoke”, KTS Trần Tam Linh nêu quan điểm.

Cũng theo KTS Trần Tam Linh, ngoài vấn đề kĩ thuật điện gây cháy nổ, khách đến các quán karaoke không chỉ hát, họ còn hút thuốc lá, tổ chức sinh nhật có thổi nến… Đó cũng là một số nguy cơ tiềm ẩn gây ra hỏa hoạn trong một không gian được thiết kế sai quy chuẩn.

“Tôi từng giải trí ở các dịch vụ này nhiều. Nói thật, khi say mà hút thuốc, điếu thuốc dập hay chưa còn tôi nhiều khi không nhớ”, anh Linh cho hay.

Xem thêm: Những yêu cầu và quy định phòng cháy chữa cháy quán karaoke cần tuân thủ

Thiếu hiểu biết về công trình

Liên quan đến các vụ cháy quán karaoke, quán bar thời gian gần đây, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng có lẽ sau thời gian dài giãn cách xã hội lượng khách đi giải trí tại các cơ sở dịch vụ này tăng nhiều.

Chủ đầu tư, đơn vị thiết kế thi công và người sử dụng dịch vụ – không hẳn do họ coi thường nguy cơ hỏa hoạn mà do họ thiếu kiến thức và ý thức về PCCC.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

Khi quán karaoke được mở cửa lại, nhiều chủ đã chớp thời cơ để kinh doanh theo nhu cầu đi hát của người dân tăng lên, thậm chí hoạt động tăng công suất so với trước đây. Không nhiều cơ sở đủ điều kiện kiểm tra, bảo trì toàn diện thiết bị điện trong quán.

Khi đó, công suất hoạt động của các thiết bị điện cũng lớn hơn, dễ bị chập cháy. Nguyên nhân sinh lửa này nếu đặt cùng vật liệu dễ bắt lửa thì khó tránh khỏi hỏa hoạn.

“Tất nhiên không cơ sở kinh doanh nào coi nhẹ việc xảy ra hỏa hoạn, vì sau mỗi vụ cháy gây thiệt hại kinh khủng về người và tài sản, còn có thể vướng vào lao lý. Tôi cho rằng không hẳn do họ coi thường mà do họ thiếu kiến thức và ý thức về PCCC”, ông Nguyên nói.

Từ đó, chuyên gia xác định 3 đối tượng liên quan trong sự cố ở một cơ sở dịch vụ, đó là chủ đầu tư, đơn vị thiết kế thi công và người sử dụng dịch vụ.

Trước hết, chủ đầu tư ít nhất phải nắm được đặc điểm công trình của mình, có hiểu biết nhất định về kiến trúc, nguồn điện xung quanh. Người làm công trình phải có trình độ chuyên môn, phải tính toán hợp lý, chứ không thể cứ thế kéo dây điện từ ngoài vào như bao nhà dân khác.

Bên cạnh đó, quán karaoke với đặc thù nhiều thiết bị điện như thế thì cấu trúc, công năng của căn nhà cũng phải theo quy định rõ ràng.

Quán karaoke nằm sát nhà dân, sử dụng chung nhiều hạng mục như nguồn điện tổng, không gian. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mặt khác, phòng hát karaoke đương nhiên phải cách âm để không ảnh hưởng đến khu dân cư. Cửa phòng hát thường rất dày dường như không thể lọt âm thanh bên trong lẫn bên ngoài.

Do ý thức sử dụng dịch vụ của khách, nhiều phòng đã chốt cửa bên trong để tránh bị làm phiền. Chuông báo động cũng không đáng kể so với âm thanh công suất lớn, cùng với sự “thăng hoa” ca hát của khách.

Nhìn từ vụ việc ở Bình Dương, khi xảy ra cháy, không ai có thể đi gõ cửa 29 phòng hát để báo động. Do đó, chuyên gia cho rằng phải quy định về cửa phòng karaoke không được khóa bất cứ từ chiều nào; đồng thời phải có hướng dẫn thoát hiểm cho khách đến.

“Phía công an đã quy định và khuyến cáo, các KTS đưa ra thiết kế lối thoát phù hợp, nhưng vấn đề chủ đầu tư có thực hiện không lại là chuyện khác. Nếu cứ làm theo kiểu tiết kiệm mặt bằng, tiết kiệm không gian để thêm chỗ cho dịch vụ, sẽ càng tạo ra khả năng xảy ra sự cố”, ông Nguyễn Hữu Nguyên bày tỏ.

Sau vụ hỏa hoạn khiến 32 người chết tại quán karaoke ở Bình Dương, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07) đã kiểm tra gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trên toàn địa bàn thành phố. Kết quả có hơn 90 cơ sở chưa đảm bảo an toàn về cháy, nổ và thoát nạn.

TP Hà Nội cũng cho kiểm tra khoảng 1.400 cơ sở karaoke, trong đó 58% không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, 326 cơ sở bị đình chỉ hoạt động.

Còn tại Bình Dương, đêm 9/9, công an đã kiểm tra trên 40 cơ sở kinh doanh, phát hiện xử lý 24 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC và CNCH. Trong đó, 21 cơ sở bị phạt hành chính với số tiền trên 250 triệu đồng, tạm đình chỉ 3 cơ sở.

Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do sự cố kỹ thuật và vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Theo Tâm Linh/Zing.vn

Xem thêm: Nhà đầu tư ôm trái đắng vì ham giá rẻ

- Advertisement -spot_imgspot_img
Latest news
- Advertisement -spot_img
Related news
- Advertisement -spot_img

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây