Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Vốn đầu tư FDI vào Việt Nam 11 tháng năm 2022
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Song, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 vẫn tăng 15,1%, đạt 19,68 tỷ USD, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Bên cạnh vốn đăng ký mới, có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư trong 11 tháng của năm 2022 (tăng 13,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ). Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là tín hiệu tích cực, khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cơ cấu đầu tư FDI 11 tháng năm 2022 theo tháng và theo thành phần vốn đầu tư
Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo dẫn đầu thu hút vốn FDI
11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Theo báo cáo của cục Đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn FDI dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 6,52 tỷ USD, chiếm 56,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 18,2%; các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 25,2%.
Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong thu hút FDI vào Việt Nam
Nhật Bản là quốc gia đầu tư vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 3,23 tỷ USD, chiếm 28,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ hai là Singapore với 1,97 tỷ USD, chiếm 17,1%. Tiếp sau là Đan Mạch 1,32 tỷ USD, chiếm 11,5%; Trung Quốc 1,29 tỷ USD, chiếm 11,2%; Hàn Quốc 930,8 triệu USD, chiếm 8,1%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 917,8 triệu USD, chiếm 8%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư Nhật Bản dành nhiều sự quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó, Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam, tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa và Đồng Nai.
Nguồn thông tin: Vietnamplus, Thời báo tài chính Việt Nam